Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Nước mắm Việt – thắm đượm hồn dân tộc

Nước mắm là đại diện cho sự sẻ chia, là thứ nước chấm quen thuộc, gắn bó, trở thành một phần không thể thiếu được trong mâm cơm của người Việt Nam. Bát nước mắm hiện diện từ những bữa cơm chân quê đơn giản đến các bữa tiệc sang trọng trong những nhà hàng, khách sạn…

Người Việt rất tinh tế trong cách pha chế nước mắm, từ nước mắm ban đầu có thể cho ra hàng trăm loại nước chấm phù hợp với từng bữa ăn. Nếu người phương Tây  thích ăn nước sốt thì người Việt  lại rất thân thuộc với nước mắm bởi vì với người Việt, nước mắm thể hiện tính sẻ chia, tính cộng đồng trong bữa ăn của Người Việt. Bát nước chấm để giữa mâm cho mọi người cùng chấm do đó nó trở thành một cái gì đó thiêng liêng của mỗi người.
Nồi cơm ở đầu mâm và bát nước mắm giữa mâm là biểu tượng cho sự đơn giản mà tinh tế trong ẩm thực Việt: cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết xuất từ cá là tinh hoa của nước. Điều này cũng thể hiện sự cân bằng âm dương hài hòa trong cách ăn uống của người Việt.  Vì sự tinh túy đó mà  nước mắm được coi là thứ nước chấm chủ đạo của các món ăn Việt. Món ăn ngon hay không nhiều khi được quyết định do chất lượng của bát nước chấm được pha.


Nước mắm là một loại gia vị giàu đạm cho những món ăn xào, kho, nấu và là loại nước chấm đi kèm cho những món luộc, hấp. Dường như bát nước chấm đã trở thành một đặc trưng, làm cho món ăn Việt khác với các món ăn của dân tộc khác.
Sự biến tấu cầu kỳ trong món ăn được bằng cách: từ nước mắm nguyên chất kết hợp thêm một số gia vị như ớt, tỏi, đường ta sẽ có ngay nhiều loại nước chấm khác nhau phù hợp với từng món ăn. Món nào đi với nước chấm ấy. Món ăn dù ngon tới đâu nhưng nếu nước chấm pha tệ thì người ăn cũng sẽ không thể cảm nhận hết được hương vị vốn có của món ăn đó. Ngược lại chỉ một bữa cơm giản dị với đĩa rau muống luộc, cà muối nhưng bát nước mắm pha chút tỏi, ớt vắt thêm vài giọt nước cốt canh chanh với nhiều người, cũng ngon miệng lắm rồi.



Không quá mặn, không quá chua, không quá cay, không quá ngọt tất cả thể hiện nét tài tình trong sử dụng gia vị của người đầu bếp, đã góp phần mang lại bản sắc độc đáo cho ẩm thực Việt. Nước mắm không chỉ làm cho những người Việt luôn nhớ về  sự mặm mòi của quê hương mà còn khiến cho cả người nước ngoài khi đã nếm thử không thể quên được hương vị độc đáo ấy.


Sử dụng nước mắm và muối ăn cho bé yêu

Muối và nước mắm rất cần thiết trong việc ăn uống của người lớn. Đó là thứ gia vị không  thể thiếu được. Đối với trẻ em tuy không phải thực phẩm dinh dưỡng nhưng gia vị chiếm vị trí không nhỏ trong việc ăn uống và phát triển của bé.
Nếu không được nêm nếm cho vừa miệng thì các món ăn sẽ trở nên rất khó ăn. Vì thế muối ăn còn được đưa vào các chương trình phòng bệnh Quốc gia.
Lượng muối và nước mắm đủ cho cơ thể bé
Mỗi ngày, lượng muối bé cần tùy thuộc vào độ tuổi và phụ thuộc vào thận của bé. Các bậc phụ huynh thì thường cho bé ăn thừa muối chứ ít khi bị thiếu muối.
Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ 4- 6 tháng tuổi thời gian này thận của bé không phù hợp do đó không nên nêm thêm muối hay gia vị khác. Từ tháng thứ 6 trở đi, nếu bột ăn liền đã có sẵn gia vị thì không cần nêm gì thêm. Nếu cho bé bột từ gạo xay hoặc ăn cháo thì bắt đầu nêm thêm một ít muối hoặc nước mắm tùy từng món. Sau khi nấu chín thịt, cá, bột và cháo thì nêm muối, nước mắm trực tiếp vào cháo hay bột. Có thể nêm trước khi cho rau và dầu ăn vào sau cùng .

Nhu cầu muối ăn theo độ tuổi của bé
Trẻ từ 1-3 tuổi: 1,5g/ ngày
Trẻ từ 4-8 tuổi: 1,9g/ ngày
Trẻ từ 9-13 tuổi: 2,2g/ ngày
Trẻ từ 14-18 tuổi: 2,3g/ ngày
Lượng nước mắm dùng cho bé chỉ nên khoảng 1/3 muỗng cà phê rồi tăng dần lên. Đối với bé, nên cho bé ăn nhạt vì vị giác của trẻ còn rất nhạy cảm nếu nêm vừa miệng người lớn là quá mặn đối với bé.
Khi chế biến thức ăn cho các bé hay cho người lớn đều không thể thiếu muối hay nước mắm. Tuy nhiên dùng các loại gia vị bạn phải lường trước được tác dụng hai mặt của nó, nhất là đối với trẻ em. Vì vậy, sử dụng hai gia vị này như thế nào để vừa tốt cho sức khỏe của bé vừa không có hại là sự lựa chọn khéo léo của mỗi bà mẹ.
Những lưu ý khác
Đôi khi không cần thiết phải nêm nếm muối vì trong thực phẩm tự nhiên cũng đã chứa một lượng natri. Khi đó cơ thể bé sẽ điều tiết theo hướng tiết kiệm natri, không thải ra theo đường nước tiểu nữa.
Trong trường hợp bé ăn dư muối thì lượng dư vừa phải sẽ được thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nếu lượng muối dư quá nhiều khiến thận sẽ phải làm việc vất vả, lâu dài dễ đưa đến tổn hại thận, cao huyết áp, Thận của bé chưa hoàn thiện việc dùng nhiều chất khoáng ở trẻ nhỏ có thể sẽ làm gánh nặng cho thận, chưa kể thận chưa đủ khả năng xử lý được lượng muối lớn trong cơ thể, có thể gây ứ đọng muối dẫn đến cao huyết áp, phù thũng, rối loạn nhịp tim,…
Khi bạn quyết định cho bé dùng bất cứ thực phẩm nào cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như số liệu ghi  trên bao bì sản phẩm. Do đó, các bậc cha mẹ hãy nêm gia vị phù hợp với cơ thể nhưng vẫn luôn phải nhạt. Khi cho bé ăn mặn lâu ngày sẽ tạo ra thói quen ăn mặn không tốt cho sức khỏe của bé.