Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

SỬ DỤNG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG TRONG CÁC MÓN ĂN

Nước mắm truyền thống là sản phẩm được nhiều bà nội trợ Việt Nam ưa thích  và sử dụng hàng ngày trong các món ăn. Nhưng liệu họ đã sử dụng đúng cách loại gia vị này?

1.     Sử dụng nước mắm truyền thống trong nguyên liệu.
Nước mắm truyền thống được sản xuất bằng phương pháp ướp chượp, sau hơn 12 tháng lên men cá phân hủy hoàn toàn cho ra loại nước mắm chất lượng tốt. Nước mắm khi tạo thành mang một lượng axit amin tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, các axit amin có lợi này còn có tác dụng mang đến vị ngọt cho hương vị nước mắm truyền thống. Tuy nhiên những axit amin chứa trong nước mắm không bền nếu sử dụng, và bảo quản ở nhiệt độ quá cao. Đây chính là lí do mà khi sử dụng nước mắm để làm nguyên liệu cho các món ăn bạn cần chú ý những điều sau:
-         Không nên nấu hoặc ninh kỹ quá. Việc đun nấu, và thói quen ninh có thể làm mất đi các axit amin có lợi. Vì vậy, chỉ nấu ở một thời gian thích hợp đảm bảo đủ chín thực phẩm.

-         Nếu món ăn cần ninh kĩ thì có thể nêm nước mắm sau một thời gian nấu. Như vậy vẫn đảm bảo được độ mềm của món ăn mà giữ được các chất có lợi trong nước mắm. Ví dụ: Các món canh, muốn đậm đà nên nêm nước mắm sau cùng rồi bắc ra ngay. Với các món thịt kho, nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen dùng nước mắm ướp khi thịt còn sống, tuy nhiên chính cách làm này khiến cho thịt bị cứng, mất đi vị thơm của miếng thịt. Vì vậy cách tốt nhất là nên ướp muối và  mì chính... vào thịt rồi kho thịt đến khi gần chín, sau đó mới cho nước mắm vào và đun thêm một lát nữa, lúc này nước mắm sẽ làm tăng vị đậm đà cho món thịt kho.
-       Đối với các món tôm, tép kho có mùi thơm đặc trưng thì cần hạn chế dùng nước mắm để giữ được nguyên vẹn hương vị của những loại thực phẩm này.

2.     Sử dụng nước mắm trong nước chấm.
Nước mắm vốn là thứ nước chấm căn cốt của người Việt Nam. Sử dụng nước mắm làm nước chấm thì ai cũng biết và cách pha chế cũng có rất nhiều biến tấu. Sự vừa miệng, đúng điệu khi pha nước chấm còn tủy thuộc vào món ăn cũng như thói quen của mỗi cá nhân, gia đình và từng vùng miền.
Để có được một bát nước chấm. Thông thường, người nội trợ sẽ dùng nước mắm nguyên chất pha cùng nước, đường, dấm gạo hoặc chanh, quất... tạo nên vị chua thanh cay mặn ngọt và  thêm một số gia vị đặc trưng tùy thuộc vào từng món ăn, tạo độ đậm đà, vừa phải có tác dụng làm giảm cảm giác ngấy của dầu mỡ đọng lại.
Dưới đây là những cách pha chế nước mắm thành nước chấm cho một số món ăn với từng loại gia vị riêng:
- Thịt luộc, cá hấp, rau củ quả luộc: Với những món ăn này cần dùng nước mắm nguyên chất, không nên pha loãng, khi pha chỉ cho thêm ớt hoặc hạt tiêu, chanh hay quất.
- Món rán như cá rán, nem rán, tôm tẩm bột rán, bánh xèo... pha chế nước mắm mất khá nhiều công sức. Bởi nước chấm ngon là linh hồn món ăn. Thông thường, với những món ăn này nước mắm nguyên chất cần pha thêm nước để giảm độ mặm, sau đó sẽ được gia giảm thêm đường, ớt, chanh quất,... Riêng các món bánh như bánh xèo, bánh rán... có thể thêm cà rốt đu đủ thái sợi để thêm hấp dẫn.
- Nước chấm ốc: Nước chấm ốc pha cần đậm đà ngoài các nguyên liệu quen thuộc như nước chấm pha thịt luộc, loại nước chấm này cần bổ sung thêm xả cắt lát mỏng, cùng với gừng tạo mùi thơm cay đặc trưng khó lẫn.





Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

SỨC HÚT CỦA NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG

Nước mắm truyền thống luôn đắt hơn các loại nước mắm khác, không những vậy khi ăn lại mất công pha chế. Ấy vậy mà nước mắm vẫn thu hút các bà nội trợ Việt Nam đến kỳ lạ.

Nước mắm nguyên chất truyền thống có vị mặn đặm hơn các loại nước mắm đóng chai đã qua pha chế. Nhiều người vốn đã quen dùng các loại nước mắm đóng chai trên thị trường khi thử qua nước mắm nguyên chất sẽ cảm thấy không quen. Nhưng khi đã sử dụng dụng một thời gian thì hương vị từ loại nước mắm này lại trở thành niềm yêu thích của nhiều người.
Sự khan hiếm của nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cùng với sự cầu kỳ trong các công đoạn sản xuất chính là lời giải thích vì sao nước mắm nguyên chất có giá thành cao hơn các loại sản phẩm khác. Nước mắm truyền thống ngon có độ đạm cao thường được sản xuất tại các vùng nghề truyền thống trứ danh như Nha Trang, Phan Thiết. Tại những địa phương này không phải lúc nào cũng có thể sản xuất được loại nước mắm nguyên chất có độ đạm đạt chuẩn. Để có được một sản phẩm chất lượng nguyên liệu được sử dụng là cá cơm đánh bắt vào khoảng từ tháng bảy, tám, chín âm lịch. Cá cơm vào thời điểm này đang ở giai đoạn trưởng thành nhất do vậy mang lại độ đạm cao nhất cho thành phẩm. Để đánh bắt đúng thời vụ, có được số lượng nguyên liệu phục vụ tối đa cho sản xuất, ngư dân làm mắm phải dùng tàu lớn ra khơi đánh bắt để thu mua cá cơm.

Cá cơm vừa được đánh bắt sẽ được rửa ngay bằng nước biển, loại bỏ hoàn toàn cá tạp hoặc kém chất lượng. Sau đó, ngay lập tức được trộn đều với muối biển theo tỉ lệ quy định theo tiêu chuẩn truyền thống. Muối dùng ướp cá phải là loại muối khô, độ kết tinh cao hoàn toàn không pha lẫn tạp chất và phải qua xử lý trước. Cá Cơm tươi được ủ muối ngay là bí quyết bảo toàn được lượng đạm cho nước mắm truyền thống. Lượng cá này sau đó được đưa về nhà thùng cho vào các thùng gỗ ủ không dưới 12 tháng. Đây là khoảng thời gian bắt buộc để chượp cá chín dần, chín hoàn toàn. Nói cách khác là quá trình lên men tự nhiên để sự thủy phân diễn ra một cách hoàn toàn, để tạo ra nước mắm nguyên chất, chất lượng cao nhất. Sau cả 12 tháng trời, chắt lọc từ muối và cá cơm quý hiếm, người sản xuất mới có được những chai nước mắm cốt nguyên chất đưa ra thị trường. Do đó, giá cả của một chai nước mắm truyền thống đắt hơn một chai nước mắm được pha chế bằng nước và hương vị là điều hiển nhiên.


Hiện nước mắm truyền thống Phú Quốc, Nha Trang hay Phan Thiết đang được bán nhiều tại các siêu thị và các đại lý bán lẻ hoặc đặt mua online, giao hàng tận nơi. Những người yêu thích nước mắm truyền thống trên cả nước vì thế có thể dễ dàng có được hương vị mà họ mong muốn. Lượng tiêu thụ nước mắm tăng lên cho thấy nước mắm truyền thống vẫn dành được lòng tin của người tiêu dùng như lời đúc kết của cha ông ta: “Tiền nào của nấy”.


Những vùng nghề sản xuất nước mắm trứ danh đất Việt

Ra đời cùng với sự hình thành và phát triển của nghề làm muối và đánh bắt thủy sản ở Việt Nam, nghề làng mắm có mặt khắp các vùng duyên hải của đất nước. Mỗi địa phương có một bí quyết sản xuất nước mắm khác nhau cho ra đời những sản phẩm đặc trưng nhất, mang hơi thở của từng vùng miền.
Những vùng đất sản xuất nước mắm có tiếng trên cả nước có thể kể tên như


1.     Nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc được sản xuất ủ chượp bằng cá cơm trong những thùng gỗ chỉ có ở Phú Quốc. Yếu tố làm cho nước mắm Phú Quốc "không lẫn vào đâu được" chính là nguyên liệu và quy trình sản xuất khác biệt cùng với đó là việc nước mắm phải được sản xuất ngay trên đảo với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng. Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ bời lời lớn, hoặc bằng gỗ vên vên. Thùng chượp có ủ được 7 – 13  tấn cá, đường kính 1,5 đến 3 m, cao từ 2 đến 4 m. Mỗi thùng đều được niềng bằng 8 sợi đai bện bằng 120 sợi song mây được lấy từ núi Ông Tám và Bắc Đảo, có thể thọ 60 năm nếu dùng thường xuyên. Nhiều loại cá có thể được đem làm nước mắm, nhưng người Phú Quốc chỉ chọn cá cơm. Cá cơm cũng có rất nhiều loại. Trong số đó cá cơm đỏ, cơm than hoặc cơm sọc tiêu là tốt nhất, cho chất lượng mắm tốt nhất. Hiện nay, với sự phát triển về kinh tế kỹ thuật, những gia đình làm nghề nước mắm truyền thống trên đảo đều có ghe tàu đánh bắt cá cơm riêng điều này giúp Phú Quốc có nguồn nguyên liệu thường xuyên cho sản xuất mắm. Cá luôn được xử lý, ướp chượp ngay tại vùng biển này. Đây là lời giải thích tại sao nước mắm Phú Quốc có màu cánh gián tự nhiên.
2.     Nước mắm Cát Hải – Hải Phòng
Nghề làm nước mắm ở Cát Hải tính năm đã tồn tại hơn một trăm năm, nếu tính thế kỷ thì đã là sang thế kỷ thứ ba. Nước mắm Cát Hải được bắt nguồn từ cái tên "nước mắm Vạn Vân". Cơ sở nước mắm này được thành lập vào năm 1916 với 56 nhà tư sản tiểu chủ ở Cát Hải, trong số đó cổ đông lớn nhất là Vạn Vân. Từ xưa, nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp vùng Đông Dương bởi chất lượng cùng với hương vị hiếm có với độ đạm từ 15 đến 40.

3.     Nước mắm Nha Trang
Ở Nha Trang , sản xuất nước mắm là một nghề truyền thống, đã có từ lâu đời. Nước mắm ở vùng đất này được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Nhưng do ít được quảng cáo nên thương hiệu nước mắm Nha Trang không được người tiêu dùng biết đến nhiều. Hiện nay, vùng này chủ yếu sản xuất nước mắm nguyên liệu cho các hãng nước mắm trong nước. Có thể thấy nước mắm Nha Trang đang dần mất đi thương hiệu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nước mắm sản xuất tại Nha Trang vẫn rất ngon, đậm đà. Đã thử qua nước mắm Nha Trang, bạn có thể nhận thấy độ mặn cao, nên nhiều khách không thể ăn nước mắm nguyên chất tại đây nếu không pha thêm gia vị.
4.     Nước mắm Phan Thiết

Nghề làm nước mắm tại Phan Thiết hình thành từ cả thế kỷ trước. Thập niên 80 có thể nói nước mắm Phan Thiết bước vào thời hoàng kim. Trong giai đoạn này, Bình Thuận là địa phương duy nhất trong nước cung cấp nước mắm cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Bắc. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho ngư trường Bình Thuận lượng cá nục và cá cơm dồi dào hình thành dòng nước mắm Phan Thiết đặc biệt, thơm ngon nổi tiếng. Không chỉ những làng nghề, nhiều người dân Phan Thiết cũng biết làm nước mắm. Mỗi gia đình Phan thiến thường muối 50 - 70 kg cá trong những chiếc khạp sành vừa đủ dùng cho gia đình vừa gởi biếu làm quà cho bà con ở vùng nông thôn ăn lấy thảo. Có lẽ, vì trưởng thành từ miền đất nồng nàn mùi hương nước mắm nên bạn bè các tỉnh thường gọi người quê quán Phan Thiết cái tên thân mến là dân “nước mắm”.

                                                            (làng nước mắm)

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay lựa chọn nước mắm như thế nào?

Việt Nam là một thị trường nước mắm lớn với hơn 200 triệu lít nước mắm tiêu thụ mỗi năm. Sức hấp dẫn của thị trường tạo nên sự tăng nhanh về số lượng các cơ sở sản xuất nước mắm khiến cho người tiêu dùng bị rối loạn để lựa chọn được sản phẩm cho bữa ăn hàng ngày chất lượng.

Theo thống kê cho thấy 95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong chế biến bữa ăn hàng ngày. Theo điều tra đáng ngạc nhiên là: Nhiều người tiêu dùng lựa chọn nước mắm dựa vào dung tích sau đó mới quan tâm đến giá cả. Những người cẩn thận, kỹ tính hơn nữa thì có thể ngửi hoặc nếm thử. Rất nhiều người không hề quan tâm đến độ đạm khi lựa chọn nước mắm dù một số lượng không nhỏ biết nước mắm ngon quyết định ở độ đạm.


Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng được hỏi chỉ sử dụng nước mắm vì có thương hiệu, theo quảng cáo, truyền tai nhau là ngon. Nhắc đến nước mắm ngon, người tiêu dùng Việt thường liên tưởng ngay tới năm vùng đất nổi tiếng được mệnh danh là làng mắm: Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Nam Ô (Đà Nẵng) và Cát Hải (Hải Phòng). Đây là những địa danh đã trở thành chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quen thuộc và gần gũi trong tâm lý người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, phương pháp cổ truyền làm nước mắm là lên men cá, muối và nước. Ngoài ra, một số vùng còn cho thêm đường, chất bảo quản, màu tự nhiên. Tùy vào loại cá, thành phần nguyên liệu sản xuất mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau. Có nhiều loại cá được dùng để sản xuất nước mắm như cá thu, cá nục, cá đối, cá quả...nhưng để có được hương và vị đượm nhất, theo kinh nghiệm đúc rút lâu đời thì phải là cá cơm.
Quy trình sử dụng để sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ đạm và chất lượng nước mắm. Quy trình làm mắm thường thấy ở các sơ sở sản xuất hiện nay trên thị trường là lên men cá và muối trong thùng gỗ hoặc phuy nhựa; có những cơ sở còn lên men trong bể xi măng phơi ngoài trời không hề đậy nắp, ướp cá trong thời gian dài. Quy trình này không đảm bảo vệ sinh và giảm chất dinh dưỡng của nước mắm. Nhưng nguồn nước mắm này sau đó được thu mua và pha chế để tung ra thị trường.

Khi tung sản phẩm ra thị trường, các cơ sở sản xuất lại dùng các cách tinh vi như ghi thông tin độ đạm ở những nơi khó nhìn thấy, cỡ chữ nhỏ hoặc dùng chiêu ghi nhãn chung chung hoặc không rõ ràng như nước mắm cốt nhĩ nhằm gây hiểu lầm về độ đạm cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.

Một điều thực tế là nước mắm có độ đạm cao thường có giá cao trên thị trường. Người tiêu dùng hiểu là sản xuất được nước mắm có độ đạm cao không sản xuất dược dễ dàng. Nên vì lợi nhuận nhiều nhà sản xuất thường không ngại dùng mánh khóe tinh vi, những cách tăng độ đạm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.


Dưới thực trạng như vậy, người tiêu dùng chỉ còn cách đánh cược vào sự lựa chọn của mình. Những người lựa chọn theo thương hiệu được nhiều sử dụng nhiều thì chỉ dựa vào phản hồi chứ thường không quan tâm nhiều đến hương vị. Một số khác muốn tìm nước mắm ngon, độ đạm cao thì tìm đến, đặt hàng tận nơi những làng nước mắm truyền thống. Cẩn thận hơn nữa có người còn tự sản xuất nước mắm tại nhà, họ còn nói vui nếu thành sản phẩm ngon còn có thể mang bán.

Nước mắm truyền thống trong sử Việt


Trong những trang sử của lịch sử Việt Nam, không ít lần nhắc đến nước mắm. Đây là thứ gia vị phổ biến, quen thuộc trong mỗi mâm cơm truyền thống.

Đại Việt sử ký toàn thư là cuốn sử đầu tiên đề cập đến loại gia vị này khắc in vào năm 1697 – năm Chính Hòa thứ 18. Vào Kỷ nhà Lê trong những trang viết về Đại Hành hoàng đế, cuốn sử có ghi: “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997) mùa hạ tháng 4, nhà Tống phong nhà vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống để đáp lễ; vua Tống hài lòng, ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia, sứ nhà Tống sang nước ta thường hay mượn cớ đòi cống nước mắm, bắt nhân thế đóng góp. Tống Chân Tông nghe chuyện ấy, từ đó chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa”.  Như vậy có thể thấy rằng trước năm 997, người Việt đã biết làm, sử dụng nước mắmnước mắm đã được lưu vào những trang sử ký.
Điều đáng nói là theo những trang sử ghi lại thì chắc hẳn nước mắm Việt Nam bấy giờ là một sản vật có tiếng khiến cho vua chúa Tàu "mê mẩm" đến mức đòi cống nạp. Hương vị nước mắm thủa bấy giờ không chỉ quanh quẩn trong nước mà lan tỏa sang tận xứ người. Người Trung Hoa chỉ ăn tương không ăn nước mắm lại đòi cống sản vật này. Điều này cho hấy sự hiếm hoi của nước mắm ngang tầm với những cống phẩm trân quý.


Sự thật đúng như vậy, thứ gia vị căn cốt của người Trung Hoa là xì dầu. Người Tàu dùng  loại nước chấm làm từ đậu nành này trong bữa ăn hàng ngày của họ. Hương vị nước mắm – xì dầu hoàn toàn khác biệt, đó cũng là sự khác biệt rõ nét giữu hai nền ẩm thực mà vốn được cho là có nét tương đồng.
Không chỉ xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư, những bút tích viết về nước mắm còn xuất hiện trong các tài liệu thư tịch có thể kể đên như: Các bộ sử của triều Nguyễn như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí; Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn, ấn hành vào cuối thế kỷ XVIII); Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX); Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức, đầu thế kỷ XIX). Trong các tài liệu này, nước mắm được ghi lại là thổ sản của nhiều địa phương ở Đàng Trong.

Chén nước mắm và đĩa rau hành là món không thể thiếu khi ăn cháo bánh canh Huế. Các vua chúa thời nhà Nguyễn dường như đều rất ưa chuộng nước mắm. Hàng năm,  các hộ dân làm nước mắm xứ Thuận Quảng – một vùng đất làm nước mắm thủa bấy giờ cống nạp một hượng nước mắm thay cho thuế đinh (thuế thân).

Trong lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, ở phần Quốc dụng chí lại chép rằng: năm Thuận Thiên thứ 5 (1013), triều đình quy định nước mắm là một trong sáu loại thổ sản phải đóng thuế biệt nạp. Cho đến thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), triều đình đưa ra hạn mức số lượng nước mắm mà các phường nghề phải nộp.  Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841) có ghi  Nam Định và Ninh Bình là hai địa phương hàng năm phải nộp thuế biệt nạp – nước mắm về cho triều đình Huế.

Nước mắm không chỉ được thư tịch cổ Việt Nam ghi lại mà còn được phản ánh qua các hồi ký, nhật ký của người phương Tây từng hiện diện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Năm 1793, phái bộ người Anh do bá tước George Macartney trong hành trình đến Trung Hoa, có ghé thăm cảng Đà Nẵng. Viên quan trấn thủ cửa Hàn lúc đó đã làm bữa tiệc đãi khách, mời phái bộ những đĩa thịt bò xắt miếng vuông chấm cùng thứ nước rất ngon khiến cho các thành viên trong phái bộ cứ tấm tắc khen, còn George Macartney phải ghi nhớ thứ nước chấm độc đáo ấy - nước mắm - vào trong nhật ký hành trình của mình.


Những trang sử được ghi lại cho thấy trong đời sống văn hóa của con người Việt Nam, nước mắm đã trở thành một mảnh ghép không thể thiếu.

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

CHÉN NƯỚC MẮM ĐẰM THẮM TÌNH QUÊ

Bữa cơm quê tôi thịt cá có thể thiếu nhưng dường như không thể vắng được chén nước mắm. Chén nước mắm chấm pha chanh, tỏi, ớt xuất hiện hiển nhiên như bát cơm, đôi đũa hàng ngày dù cho bữa hôm đó có ăn món gì, có cần để chấm hay không?

Chén nước mắm giữa mâm cơm như một thói quen khó bỏ của người quê tôi. Ngày xưa, quê tôi nghèo bữa ăn không có gì ngoài bát canh, rau luộc, thiếu chén nước mắm để chấm không quen cũng là điều dễ hiểu. Chén nước mắm bé nhỏ chứa chất đạm từ cá mang lại dinh dưỡng cho những bữa ăn đạm bạc, đơn sơ. Có nó rau cũng dễ ăn, cơm trắng thôi cũng đã đủ ngon rồi. Với chúng tôi – những đứa trẻ lớn lên từ làng, hương vị đượm thắm ấy còn tuyệt diệu hơn bao sơn hào hải vị ngày nay.
Thủa hàn vi, cơ cực trải qua ngày ấy như  mới ngày hôm qua. Nhớ anh chị thủa còn bên nhau chấm chung chén nước mắm, cùng nằm chung giường, để khi đi xa, có bao  điều để ta nhớ, ta thương. Nhớ lúc ăn, nhà nghèo phải nhường nhau từng miếng cơm, nhịn từng giọt nước chấm. Lúc ngủ, chị thương em nhường chỗ còn anh chịu lạnh nhường chăn, tình thân sao ấm áp lạ kỳ. Kỷ niệm mặn và ngọt như ùa vào đời sống, theo chúng tôi mỗi ngày, nhắc chúng tôi bổn phận phải sống sao cho sao có ý nghĩa hơn. Những nghĩa tình quê hương đẹp đẽ là điểm tựa cho chúng tôi bước đi trên những ngả đường đời.

Hình ảnh mâm cơm có anh có chị có mẹ cha quây quần, sẻ chia bát nước mắm nghĩa tình, giờ phương xa nghĩ đến như ấm cả cõi lòng. Từng giọt mắm đậm đà, mặn thơm làm ra bằng công sức của mẹ, từ những chuyến đi biển dài ngày của cha. Các bà, các mẹ thường làm mắm bằng cái chum lớn để ở trước nhà. Những mẻ cá từ vùng biển quê cha đánh về, con lớn được lựa đem ra chợ bán, còn sót lại được các mẹ chắt chiu làm mắm ăn dần. Nước mắm của quê tôi đặm mà thơm, các vùng xung quanh ai cũng khen ngon. Họ khen nước mắm ăn một lần là nhớ mãi. Có những người đi xa vẫn đặt mắm theo can để ăn dần hoặc để làm quà.

Thời gian qua đi, cuộc sống thời nay đã khác, anh chị em chúng tôi mỗi người một nơi, lễ tết mới có thời gian để gặp mặt. Cũng biết đời sống văn minh người ta sinh lễ nghĩa, đến nhiều nơi không còn dùng chung chén nước mắm trong bữa cơm, nhưng vể đến quê chúng tôi vẫn thế. Đã thành thói quen khó bỏ, có thể nói chén nước mắm chấm chung đã trở thành nét văn hóa ẩm thực quê hương. Nếu nhìn đi nhìn lại mâm cơm thiếu đi chén mắm là chưa thể ngồi vào mâm. Thế nào cũng có người nhắc, thế là lại chạy xuống bếp tìm chanh, tỏi, ớt pha chế bát nước chấm con con.


Mỗi lần về thăm quê, tôi lại như sống lại tuổi thơ, được trở lại là mình. Thời gian cũng không đủ sức mạnh để xóa đi những nếp sống xa xưa, truyền từ đời này qua đời khác của người dân quê tôi. Và cứ thế chén nước mắm nho nhỏ chấm chung trường tồn mãi mãi trong những mâm cơm của mỗi gia đình quê tôi. 

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Những người sành ăn, rủ nhau mua nước mắm truyền thống


Những bát nước mắm nho nhỏ dường như là thứ không thể thiếu bữa ăn của người Việt. Yêu nước mắm như người Phương Tây thích rượu vang nên với những người sành ăn họ rất kỹ càng trong việc lựa chọn nước mắm không chỉ ngon mà phải phù hợp cho mỗi món ăn. Và nước mắm truyền thống vẫn là chiếm ngôi vương trong hàng trăm chọn lựa.

Việt Nam là một quốc gia có bờ biển kéo dài. Nguồn lợi thủy sản phong phú, dồi dào cùng với nghề làm muối phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho nền ngành  sản xuất nước mắm phát triển. Trên thị trường Việt hiện nay xuất hiện hàng trăm nhãn hiệu nước mắm, từ những vùng đất có tên tuổi như Phú Quốc, Nha Trang hay Phan Thiết đến những sản phẩm sản xuất theo phương pháp công nghệ mới. Nhiều thương hiệu sản xuất đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh gia tăng, các cơ sở sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng và theo sát thị hiếu người tiêu dùng nếu không muốn bị đánh bật ra khỏi thị trường. Tuy nhiên thực tế thấy rằng trong ngành sản xuất nước mắm không phải cứ là ông lớn nhiều vốn có nhiều sáng tạo, hiện đại hóa quy trình sản xuất là thống lĩnh được thị trường, bởi người tiêu dùng chỉ luôn tìm kiếm những giá trị truyền thống trong mặt hàng này.

Nước mắm truyền thống có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Nhiều gia đình Việt thường mua nước mắm nguyên chất đóng can từ những vùng sản xuất truyền thống để dùng cả năm. Bởi với họ, hương vị nước mắm truyền thống dù nấu nướng hay chấm đều mang đến hương vị đậm đà hơn hẳn những loại nước mắm đóng chai bán sẵn.


Với người Việt sử dụng nước mắm truyền thống đã trở thành một thói quen. Họ quen thuộc với vị đậm đà không thể thay thế của gia vị này đến mức. Không chỉ ở trong nước mà có những người Việt đã định cư nước ngoài cũng nhờ anh em họ hàng đặt mua loại nước mắm nguyên chất rồi nhờ vả đủ cách để mang ra nước ngoài dùng thay nước mắm xuất khẩu đóng chai bên trời Âu.

Dù thường hay sử dụng nước mắm đóng chai bán sẵn nhưng một khi đã dùng thử, khách hàng sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi loại nước mắm truyền thống. Nhưng bây giờ, đi chợ hay siêu thị người tiêu dùng sẽ không dễ mua được một chai mắm nguyên chất đúng với sở thích đậm truyền thống nên họ chỉ còn cách đặt mua. Không chỉ đặt mua, nhiều người còn đặt hàng riêng cho nhà mình hay cả nhóm chung nhau đặt hàng dùng dài hạn. Có những người cầu kỳ hơn tự mình tìm hiểu quy trình cách thức để tự sản xuất nước mắm nguyên chất.



Thực tế, nước mắm truyền thống nguyên chất thường có giá thành cao hơn so với những sản phẩm đóng chai. Nhưng với những người tiêu dùng thông minh để có được một can nước mắm truyền thống họ sẵn sàng bỏ tiền để mua, bởi họ hiểu giá cả đi đôi với chất lượng. Nước mắm nguyên chất luôn mang đến những món ăn ngon hơn, đậm đà hơn và sẽ làm hài lòng mọi thực khách sành ăn.